A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh quan chữa lành thiên nhiên

Trong bản báo cáo quan trọng vừa đệ trình lên Liên Hiệp Quốc, các nhà khoa học cho thấy tình hình khí hậu thế giới ngày càng nghiêm trọng. Tác động tiêu cực của con người lên khí hậu là “sự thật”, đây là báo động đỏ cho nhân loại.

Trên thế giới, kiến trúc cảnh quan từ đầu những năm 1920 đã cố gắng đóng vai trò hàng đầu trong việc định hình các TP. Đến giữa thế kỷ 20, sự nhạy cảm về sinh thái dần dần bắt đầu nổi lên trong giới KTS cảnh quan – Bắt nguồn từ sự thấu hiểu và tôn trọng tự nhiên, rồi chuyển sang nhận thức về tầm quan trọng của môi trường, dẫn đến những nỗ lực đầu tiên để bảo vệ môi trường thông qua quy hoạch cảnh quan dựa trên hai đặc điểm sinh thái và xã hội.

Ở Việt Nam, ngày nay các KTS cảnh quan đã bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các dự án quy hoạch và kiến trúc, nhưng trên thực tế sự tham gia của họ khá hạn chế so với công việc của các nhà quy hoạch đô thị và KTS công trình, bởi vì họ thường chỉ được tiếp xúc khi dự án đã được phê duyệt.

Kiến trúc cảnh quan góp phần “chữa lành” thiên nhiên

1. Quy hoạch cảnh quan vùng:

Việc bảo tồn và nâng cao giá trị các dòng chảy cảnh quan tự nhiên phải có sự kết nối liền mạch và được vạch ra rõ ràng. Từ đó chuyển đổi chúng thành các công viên đô thị tuyến tính xen kẽ các tuyến không gian xanh. Chúng sẽ phục vụ mục đích kép, hoạt động như một cấu trúc quan trọng của không gian vùng đô thị và sẽ cho phép kết nối các không gian mở công cộng lại với nhau và với các công viên ven đô, các cánh rừng tự nhiên tại rìa các TP.

2. Quy hoạch cảnh quan đô thị

Cảnh quan đô thị phải là một hệ sinh thái nhân tạo và phần lớn phải được thiết kế dựa trên yếu tố cảnh quan hiện trạng bản địa. Phát triển cảnh quan đô thị không đơn giản là việc tạo ra những khu đô thị có cảnh quan đẹp, mà đô thị cần sử dụng những hệ thống kỹ thuật có chức năng tương tự, mô phỏng chức năng vận hành của tự nhiên và xuất phát từ các quy luật vận động cốt lõi của tự nhiên.
Dưới đây là một số giải pháp thiết kế kiến trúc cảnh quan bền vững:

  • Sử dụng vật liệu tái tạo: Một công viên mới có thể được tạo ra từ các vật liệu xây dựng cũ, đất tận dụng, gạch vụn bê tông, thủy tinh, gỗ và thép có thể được tái sử dụng hoặc tái chế để phục vụ các chức năng mới, giảm phát thải khí nhà kính, bất cứ là gì, miễn là vật liệu đó thỏa mãn tiêu chí thẩm mỹ và hiệu quả sử dụng. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, bất kỳ phương pháp xây dựng mới nào giúp KTS cảnh quan tránh tạo ra khí thải đều mang lại lợi ích lớn;
  • Phát triển nông nghiệp đô thị: Canh tác nông nghiệp hoặc làm vườn đô thị tại các khu vực trống, các mảng xanh công viên trong đô thị hoặc khu vực ven đô là xu hướng đang phát triển mạnh mẽ hướng đến đô thị bền vững. Hình thức này đảm bảo cư dân tự chủ và được tiếp cận trực tiếp nhiều hơn với rau xanh và trái cây. Như vậy không những giảm thải khí CO2 do giảm nhu cầu vận tải mà còn đảm bảo an ninh lương thực;

Ảnh: Quy hoạch 1/500 khu đô thị sinh thái Mỹ Hào Garden City – Thiết kế Palm Landscape

Kè mềm sông Thu Bồn đóng cọc tre và trồng cây Bần do chị Mỹ Hạnh và TS Ngô Anh Đào thực hiện.

Ví dụ: Thiết kế vườn trên mái cho các tòa nhà bằng việc phủ lớp đất mỏng đủ để làm vườn, trồng cây. Mái xanh làm giảm chi phí cho việc làm mát, lọc nước mưa và giảm tốc độ dòng chảy, cải thiện chất lượng không khí và còn đóng góp không nhỏ vào tính thẩm mỹ cho công trình. Ngoài ra, mái xanh còn có thể tích hợp sản xuất thực phẩm để tạo ra các khu vườn rau quả được trồng bằng công nghệ hiện đại;

  • Zero năng lượng: Dự án zero năng lượng là công trình tiêu thụ năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch bằng 0 và có lượng phát thải carbon cũng bằng 0.
    Đối với các dự án kiến trúc cảnh quan, hoàn toàn có thể áp dụng đèn led năng lượng mặt trời cho hệ thống chiếu sang. Không những thế, các công trình kiến trúc nhỏ, biểu tượng, điểm nhấn còn có thể chiếu sáng bởi các tấm pin năng lượng mặt trời được thiết kế hòa nhập với cảnh quan chung;
  • Kè mềm: Là giải pháp xanh chống xói mòn sạt lở bờ sông, trái ngược với giải pháp bê tông hóa. Kè mềm có ưu điểm là đem lại hiệu quả cao với chi phí thấp. Kè mềm có thể sử dụng túi vải địa kỹ thuật kết hợp vật liệu cát hoặc cũng có thể hoàn toàn sử dụng thảm thực vật bản địa. Loại kè này không chỉ giúp giữ đất mà còn hướng đến khôi phục đa dạng sinh học của hệ sinh thái bờ nước và tạo dựng cảnh quan thiên nhiên;
  • Hàng rào bẫy cát: Sự xói mòn của các cồn cát và bãi biển đã gây ra bởi các cơn bão làm ảnh hưởng nặng nề đến cơ sở hạ tầng, đất đai, đồng thời còn làm ngập lụt, nhiễm mặn và mất môi trường sống của các loài sinh vật. Hàng rào được làm bằng các thanh gỗ đơn giản có tác dụng hứng cát do gió thổi và lắng đọng ở chân rào. Theo thời gian, cát tích tụ sẽ bao phủ hoàn toàn hàng rào, tạo thành cồn cát. Thảm thực vật ở cồn cát phát triển dày đặc cũng giúp bảo vệ nhà cửa và tài sản khỏi bị muối làm hỏng và bản thân các cồn cát cũng sẽ là các rào chắn bão tố tự nhiên cho các khu dân cư.
    Quan trọng không kém, các đụn cát còn giúp bảo vệ môi trường sống của các loài bản địa, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên.
  • Bảo tồn nguồn nước: Vấn đề khủng hoảng nguồn nước trên quy mô toàn cầu hiện nay là nghiêm trọng, do đó việc sử dụng công nghệ tiết kiệm nước trong lĩnh vực kiến trúc và cảnh quan phải được quan tâm.

Ví dụ: Hệ thống thoát nước đô thị phải có khả năng xử lý tại chỗ thành nước xám sau đó tái sử dụng nó và trả một phần nước vào bầu khí quyển thông qua quá trình thoát hơi nước của hệ thực vật. Ngoài ra hệ thống quản lý, lưu trữ nước mưa dưới mặt đất để tái sử dụng cho các tòa nhà, tưới cây rửa đường, hệ thống này còn có tác dụng điều hòa chống ngập lụt cho thành phố. Nếu áp dụng các hệ thống này là đã bảo vệ nguồn nước và môi trường sống của các loài sinh vật hoang dã.

Trang trại đô thị trên mái Đại Học Ryerson, Toronto, Canada 

Công viên Nam Từ Liêm, cột đèn năng lượng kết hợp trú mưa – Thiết kế Palm Landscape

Hàng rào bẫy cát trải dọc bãi biển ở Nags Head, North Carolina, Mỹ

 

Kết luận

Thích ứng với điều kiện biện đổi khí hậu, kiến trúc cảnh quan trở thành một giải pháp hiệu quả để “chữa lành” cho tự nhiên. Tuy vậy, chúng ta không nên chỉ bắt chước vẻ bề ngoài của cảnh quan mà còn phải bắt chước cách thức hoạt động như trong tự nhiên. Khi đó, các hệ thống được tương tác, bổ trợ cho nhau thành một hệ sinh thái, điều đó sẽ giúp chữa lành các vết thương cho tự nhiên.

Để làm được điều đó, ngay từ bây giờ, chúng ta cần thay đổi tư duy thiết kế truyền thống và cần có hành động cụ thể bằng các giải pháp thiết kế bền vững. Các giải pháp nêu trên hoàn toàn có thể đưa vào ứng dụng thực tế và nhân rộng để thúc đẩy các đô thị của Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

KTS Nguyễn Chí Thành
Palm Landscape
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2022)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức liên quan
Đang chờ cập nhật